I. Khái quát chung:
– Tên nước : Cộng hòa Ấn Độ
– Thủ đô : Niu Đê-li
– Địa lý : Nằm tại Nam Á, phía Bắc giáp Trung Quốc, Nê-pan và Bu-tan; Đông Bắc giáp Miến Điện, Băng-la-đét; Tây Bắc giáp Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan; Tây, Đông và Nam là Ấn Độ dương bao bọc. Ấn Độ có khoảng 14.103 km đường biên giới đất liền và 7.516 km bờ biển.
– Diện tích : khoảng 3,3 triệu km2
– Dân số : xấp xỉ 1, 148 tỷ người (2008)
– Ngày Độc lập
(Quốc khánh) : 15/8/1947
– Ngày Cộng hoà : 26/1/1950
– Tôn giáo : Ấn Độ không có quốc đạo. Có sáu tôn giáo chính: Ấn Độ giáo (còn gọi là đạo Hindu, chiếm 80,5% dân số), Hồi giáo (chiếm 13,4%), Thiên chúa giáo (chiếm 2,3% ), Đạo Sikh ( chiếm 1,9%); các tôn giáo khác chiếm khoảng 1,8%…
– Ngôn ngữ : 15 ngôn ngữ chính và 844 thổ ngữ khác. Tiếng Hindi là ngôn ngữ chính thức làm việc của Nhà nước liên bang, được khoảng 45% dân số sử dụng. Tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp, được sử dụng rộng rãi
– Đơn vị tiền tệ : Rupi, 1 USD = 51,58 Rupi (03/2009)
– GDP bình quân đầu người : 1016 USD năm 2008 (số liệu của IMF)
II. Lịch sử phát triển:
Ấn Độ có trên 5.000 năm lịch sử, là một trong những cái nôi văn minh của loài người. Triều đại Ashoka (273-323 sau công nguyên) là thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử cổ đại Ấn Độ, lãnh thổ Ấn Độ được mở rộng gần như ngày nay. Đến thế kỷ 11, người Hồi giáo tràn vào Ấn Độ. Cuối thế kỷ 14, quân Nguyên chiếm hầu hết các vương quốc ở phía Bắc Ấn Độ. Từ cuối thế kỷ 15, người Châu Âu bắt đầu đến Ấn Độ. Đầu tiên là Bồ Đào Nha, đặt trung tâm tại Goa; tiếp đến là Hà Lan đặt một số cơ sở thương mại tại Ấn Độ; sau đó là Pháp và Anh. Năm 1858, Anh chiếm toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ. Năm 1885, Đảng Quốc gia Đại hội Ấn Độ (gọi tắt là Quốc Đại) được thành lập và lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ. Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ ngày 15/8/1947. Ngày 26/1/1950, Ấn Độ tuyên bố thành lập nước Cộng hòa.
III. Thể chế Chính trị :
– Nhà nước Ấn Độ được tổ chức theo hình thức liên bang và theo chế độ dân chủ đại nghị. Hiện nay Ấn Độ có 29 bang và 6 lãnh thổ trực thuộc trung ương.
– Quốc hội liên bang gồm 2 viện: Thượng viện (Rajya Sahba) và Hạ viện (Lok Sahba) có 543 ghế.
1. Chính phủ Liên bang gồm có: Tổng thống, Phó Tổng thống và Hội đồng Bộ trưởng, đứng đầu là Thủ tướng.
2. Lãnh đạo hiện nay (2009):
– Tổng thống : Bà Pra-tip-ha De-vi-xinh Pa-tin (Pratibha Devisingh Patil), từ 7/2007.
– Thủ tướng: Man-mô-han Xinh (Manmohan Singh), nhiệm kỳ 2 từ tháng 6/2009.
– Chủ tịch Quốc hội: Bà Mê-ra Ku-ma (Meira Kumar) từ tháng 6/2009
3. Chính phủ bang: Cơ quan hành pháp bang gồm Thống đốc và Hội đồng Bộ trưởng bang. Đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng là Thủ hiến bang (Chief Minisiter). Thống đốc do Tổng thống chỉ định, nhiệm kỳ 5 năm. Thủ hiến do Thống đốc bổ nhiệm trên cơ sở đề cử của Đảng hoặc liên đảng chiếm nhiều ghế nhất tại Viện lập pháp Bang.
4. Các đảng chính trị ở Ấn Độ:
Ấn Độ có rất nhiều đảng phái chính trị. Các đảng chủ yếu là:
– Đảng Quốc Đại thành lập năm 1885, có khoảng 25 triệu đảng viên chính thức. Đảng Quốc Đại đã nhiều lần phân liệt thành các đảng nhỏ. Từ năm 1980, Quốc Đại chính thức mang tên Indira Gandhi, gọi là Quốc Đại (I). Đảng Quốc đại cầm quyền nhiều nhiệm kỳ. Trong cuộc bầu cử Hạ viện 15 (tháng 4-5/2009), Liên minh Tiến bộ thống nhất của Đảng Quốc Đại (I) giành thắng lợi lớn với 263 ghế, trong đó Quốc đại được 206 ghế (tăng 61 ghế so với bầu cử 2004) và đứng ra lập Chính phủ nhiệm kỳ 2 (nhiệm kỳ 1 từ 2004-2009). Chủ tịch Đảng Quốc Đại hiện nay là Bà Xô-ni-a Gan-đi (Sonia Gandhi), vợ cố Thủ tướng Rajiv Gandhi.
– Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), thành lập năm 1980. Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) gồm 24 Đảng do BJP làm nòng cốt đã từng cầm quyền một nhiệm kỳ từ tháng 10/1999 đến tháng 4/2004. Tại cuộc bầu cử Hạ viện 15, liên minh Dân chủ Quốc gia NDA do BJP đứng đầu giành được 157 ghế, trong đó BJP được 116 ghế) và trở thành phe đối lập lớn nhất tại Quốc hội.
– Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), thành lập năm 1925. Trong cuộc bầu cử Hạ viện 15, CPI chỉ giành được 4 ghế. Đảng Cộng sản Ấn Độ (Mác-xít) – CPI (M), thành lập năm 1964. Tại cuộc bầu cử Hạ viện 15, CPI-M giành được 16 ghế. Tổng số ghế của Mặt trận thứ 3 (liên minh do CPI và CPI-M làm nòng cốt) chỉ được 67 ghế.
IV. Kinh tế-xã hội:
– Ấn Độ là một nước có diện tích rộng lớn, lao động dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Từ khi giành độc lập đến những năm 80 của thế kỷ XX, Ấn Độ chủ trương tự cung tự cấp với mô hình kinh tế tập trung, hướng nội. GDP tăng trung bình 3,5%/năm.
– Từ năm 1991, Ấn Độ tiến hành cải cách, áp dụng mô hình kinh tế mới mở cửa, dựa nhiều hơn vào dịch vụ và tri thức để phát triển công nghệ thông tin (IT), coi đây là đầu tàu cho toàn bộ nền kinh tế. Năm 2008, khu vực dịch vụ đóng góp tới 56% GDP, công nghiệp 22% và nông nghiệp 18,5%. Năm 2007-2008, Tổng GDPđạt khoảng 1,16 nghìn tỷ USD, tăng trưởng GDP đạt 9%, xuất khẩu đạt 159 tỷ USD (tăng 25,8%), nhập khẩu đạt 239,65 tỷ USD (tăng 29%), FDI đạt 32,44 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đạt 249,3 tỷ USD (đến tháng 2/2009). Ấn Độ đang mạnh mẽ vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế ở khu vực.
V. Chính sách đối ngoại:
– Ấn Độ chủ trương xây dựng phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc và tự lực tự cường, thi hành chính sách đối ngoại hòa bình, không liên kết, hữu nghị với các nước. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã và đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại một cách toàn diện, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược là đảm bảo hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, tăng cường thực lực đồng thời mở rộng không gian chiến lược nhằm tạo dựng ảnh hưởng tương xứng với vị thế của cường quốc khu vực và toàn cầu. Đến nay Ấn Độ đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Đức, EU.
– Một trọng tâm khác trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là củng cố, tăng cường quan hệ với các nước châu Á, nhất là các nước láng giềng. Với các nước Đông Á (bao gồm cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á), Ấn Độ triển khai chính sách “Hướng Đông” từ năm không ngừng tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, trong đó chọn ASEAN là một trong những trọng tâm.
VI. Quan hệ với Việt Nam:
Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này. Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại Niu Đê-li. Ngày 07/01/1972, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ.
1. Quan hệ chính trị:
Quan hệ chính trị phát triển tốt đẹp và hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Phía Việt Nam thăm Ấn Độ có: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1978 và 1980), Tổng Bí thư Lê Duẩn (1984), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1989), Tổng Bí thư Đỗ Mười (1992), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Ấn Độ (1994), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (2003) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (7/2007), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm Ấn Độ (2009). Trong chuyến thăm của TBT Nông Đức Mạnh, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI”. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Phía Ấn Độ thăm ta có: Tổng thống Rajendra Prasad (1959), Thủ tướng R.Gandhi (1985 và 1988), Tổng thống R. Venkatraman (1991), Phó Tổng thống K.R. Narayanan (1993), Thủ tướng P.V. Narasimha Rao (1994), Thủ tướng A.B. Vajpayee (1/2001), Chủ tịch Quốc hội Somnath Chatterjee (3/2007), Tổng thống Pratibha Patil (2008).
2. Hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác:
Năm 1982, hai nước lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (UBHH). Đây là cơ chế quan trọng giúp hai bên trao đổi và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác nhau, trong đó có việc xây dựng Chương trình hành động 3 năm 1 lần. Đến nay, UBHH đã họp 13 kỳ. Tháng 2/2007, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm chính thức Ấn Độ kết hợp họp UBHH 13.
– Thương mại giữa hai nước tăng khá nhanh, từ 72 triệu USD (1995), lên trên 1 tỷ USD (2006) và 2,5 tỷ USD (2008). Tính đến tháng 10 năm 2009 đạt 1,643 tỷ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam là: Thức ăn gia súc, điện thoại di động, máy móc thiết bị, tân dược, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép và kim loại các loại khác, nguyên phụ liệu dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may và da, vải các loại, thuốc trừ sâu …Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ là: than đá, hạt tiêu, linh kiện điện tử, cao su, quế, máy móc và thiết bị, thép, sợi, giày dép…
– Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ vào Việt Nam: tính đến tháng 9/2009, Ấn Độ có tổng cộng 35 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 201,1 triệu USD, đứng thứ 32 trong tổng số 88 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, từ năm 2007, nhiều tập đoàn lớn khác của Ấn Độ như Essar, Tata đã quan tâm xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.
– Về tín dụng: Từ năm 1976, Ấn Độ dành cho Việt Nam nhiều khoản tín dụng ưu đãi. Năm 2007, Ấn Độ công bố dành cho Việt Nam một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 45 triệu USD cho dự án Thủy điện Nậm Chiến, hiệp định vay tín dụng này đã được ký vào tháng 1/2008. Ấn Độ tiếp tục công bố một khoản tín dụng mới cho Việt Nam trị giá 19,5 triệu USD.
– Về giáo dục-đào tạo: Ấn Độ giúp ta nhiều chương trình đào tạo ngắn và dài hạn với trên 100 suất học bổng các loại hàng năm, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương (Hợp tác sông Hằng-sông Mê-công, Kế hoạch Colombo), trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là đào tạo nông nghiệp, tin học và tiếng Anh, viễn thám. Ngày càng nhiều sinh viên ta sang Ấn Độ học tự túc do chất lượng và chi phí hợp lý. Việt Nam cũng đã cấp cho sinh viên Ấn Độ 02 học bổng đào tạo tiếng Việt trong năm học 2006/2007.
– Về khoa học-công nghệ: Hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được ký năm 1976, ký lại năm 1996. Tiểu ban hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam và Ấn Độ được thành lập năm 1997 và kỳ họp lần thứ 7 của Tiểu ban được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7/2008. Nghị định thư về Công nghệ thông tin Việt Nam – Ấn Độ được ký năm 1999. Dự án Hỗ trợ Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm ở Việt Nam sử dụng khoản viện trợ 2,5 triệu USD của Ấn Độ chuyển từ khoản lãi phạt tín dụng lương thực (Do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì) đã được triển khai hiệu quả từ năm 2001, kết thúc tháng 6/2008 với kết quả tốt. Ngoài ra còn có một số dự án trong các lĩnh vực khác, đặc biệt nghiên cứu hạt nhân và công nghệ sinh học.
– Về hợp tác văn hóa: Hiệp định hợp tác văn hóa giữa hai nước được ký năm 1976, là cơ sở cho Chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước, được gia hạn định kỳ (gần đây nhất được gia hạn trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2007). Hai bên tiếp tục trao đổi đoàn nghệ thuật hàng năm.
– Về an ninh-quốc phòng: Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này phát triển tốt.
– Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và quốc tế: Ấn Độ ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bản an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam luôn ủng hộ Ấn Độ tăng cường quan hệ với ASEAN, tham gia vào hợp tác Đông Á, ủng hộ Ấn Độ làm uỷ viên thường trực của HĐBA/LHQ mở rộng.
– Cho đến nay, hai nước đã ký các Hiệp định Thương mại, Tránh đánh thuế hai lần, Khuyến khích và bảo hộ Đầu tư, Lãnh sự, Hợp tác Văn hóa, Hàng không, Du lịch, Tương trợ tư pháp về hình sự…; đã ký các Thỏa thuận về Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, Hợp tác về Mỏ và Địa chất, Môi trường, Y học dân tộc và Nghị định thư về hợp tác quốc phòng. Tại Cấp cao ASEAN 15 tháng 10/2009 tại Hủa Hỉn, Thái Lan, hai nước ký Bản nghi nhớ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ (MES).
Nguồn http://www.mofahcm.gov.vn/