CÁC THÀNH PHỐ Ở SUDAN (XU-ĐĂNG)
ATBARA

Ga tàu điện ở Atbara
Thành phố được biết đến với tư cách là khu chế tạo và đầu não hành chính của Tập đoàn Đường sắt Xu-đăng, cách Khartoum 350 km về phía Bắc. Thành phố Atbara nằm ở bờ Đông của sông Nile phía Bắc Ed Damer, nối với Ed Damer bởi một cây cầu hẹp bắc qua sông Atbara.
DAMAZEEN VÀ ROSEIRES

Một người đàn ông ở bang Blue Nile đang chơi Waza (một loại nhạc cụ)
Thị trấn Damazeen nằm ở bờ Tây của sông Nile Xanh. Trên bờ đối diện khoảng vài kilô mét về phía Đông Bắc là thị trấn Roseires. Tầm quan trọng của hai thị trấn là do khoảng cách của chúng đến đập Roseires, con đập nằm cách Damazeen 2 km về phía Nam và cách Roseires 4 km cũng theo hướng này, đây cũng là lí do con đập có tên gọi như vậy.
DONGOLA

Cảnh đẹp ở Dongola
Đây là thành phố lớn có í nghĩa lịch sử và thương mại quan trọng nằm ở vị trí giữa Khartoum và phần biên giới phía Bắc với Ai Cập. Dongola là thành phố thủ phủ của Miền Nam, là nơi sản xuất chính các loại nông phẩm như chà là, lúa mỳ, ngũ cốc và hoa quả. Thành phố cũng rất tự hào là nơi còn tồn tại nhiều di tích khảo cổ từ thời Nubia và Islam cổ đại. Trong lịch sử, Dongola cổ đại từng là thủ đô của một vương quốc Công giáo. Dongola nối liền với Khartoum nhờ một tuyến đường nhựa cao tốc vừa mới được xây dựng, từ thành phố này cũng có các tuyến đường đất nối liền với các thị trấn khác trong nước và vùng phía Bắc Kordofan.
AL FASHIR

Bảo tàng Sulatan Ali Dinar ở Al Fashir
Khởi nguồn được xây dựng bởi Vua Abdel Rahman El Rashid, thành phố đóng vai trò rất quan trọng về chính trị và xã hội trong lịch sử Darfur. Hiện thành phố là thủ phủ của Bang Bắc Darfur và cũng là một trung tâm thương mại sôi động. Cung điện của vị vua cuối cùng của triều đại Fur thống trị, Ali Dinar, được xây dựng năm 1912, là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng.
EL GENEINA
Thành phố nằm ở biên giới Tây Nam giữa Xu-đăng với Chad. Đây là quê hương của bộ tộc Messalit và là điểm quá cảnh và trạm hải quan cho những người muốn du lịch đến Chad, Cameroon, Niger và các nước Tây Phi khác. Thương mại giữa các thị trường của các nước này và El Geneina phát triến mạnh, đây là đầu ra quan trọng cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương.
EL OBEID

Một phụ nữ bộ tộc Bagara (những người chủ gia súc)
Đây là thủ phủ của bang Bắc Kordofan và là trung tâm nông nghiệp, nơi sản xuất ra hoa màu như gôm Ả Rập, vừng, lạc và các sản phẩm khác xuất sang các thị trường quốc tế. Dân số trong vùng chủ yếu là nông dân trồng trọt theo phương pháp tưới bằng nước mưa tự nhiên và lai giống gia súc. El Obeid nối liền với Khartoum bằng đường nhựa cao tốc, đường sắt và đường không với những chuyến bay hàng tuần
GEDARIF

Nông nghiệp ở thành phố Gedarif
Đây là thành phố thủ phủ của bang Gedarif, nằm ở giữa khu vực đất đai màu mỡ của vùng Butana miền Đông Xu-đăng. Khu vực này trồng vừng, lúa miến (một loại kê trồng làm lương thực ở các vùng khí hậu ấm – ND), và hướng dương, sản lượng mỗi năm không chỉ đủ cung cấp cho cả vùng mà còn cho xuất khẩu. Việc tưới tiêu trong các vụ mùa này chủ yếu nhờ vào những cơn mưa với lượng mưa lớn bắt đầu từ đầu tháng Năm. Từ năm 1954, rất nhiều khâu trong nông nghiệp dần dần đã được cơ khí hóa. Đất trồng cho năng suất cao ở Gedarif thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, cộng thêm vào đó là cách tiếp cận chiến lược với các thị trường địa phương, các trung tâm xuất khẩu và hệ thống cơ sở hạ tầng như đường nhựa cao tốc và hệ thống đường sắt.
JUBA

Cảnh đẹp Juba
Thành phố thủ phủ bang El Jebel là thành phố lớn nhất miền Nam Xu-đăng. Thành phố nối liền với các bang miền Bắc bằng đường sông và đường đất nhưng chỉ qua được vào mùa cạn. Sân bay trong thành phố có thể chứa mọi loại tàu bay. Vì lí do an ninh, hiện nay sân bay này đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa và hành khách từ Khartoum và Nairobi đến các vùng khác ở Equatoria.
KARIMA

Núi Al-Barkal – Karima
Đây là trung tâm thương mại và giao thông sôi động của miền Bắc. Nằm ở bờ Đông sông Nile, thành phố là ga cuối cùng trong tuyến đường sắt vòng quanh miền Bắc khởi hành từ Khartoum. Thêm vào đó, Karima cũng là cảng chính ở Sông Nile trong các tuyến giao thông xuôi dòng. Thành phố nối liền với Dongola bằng đường bộ. Nằm dưới chân ngọn núi Barkal hùng vĩ, nơi ở của Vua và Hoàng hậu Napatan – Karima là một địa danh lịch sử với các kim tự tháp và các di tích đền đài của các triều Vua và Hoàng hậu Nubian.
KASSALA

Núi Taka – Kasala
Thành phố thủ phủ của bang Kasala và là thành phố sát biên giới, cách biên giới với Eritrean chỉ 30 km, nổi tiếng với giống lạc đà Bushari, giống lạc đà trong các trường đua vùng Vịnh. Thành phố cũng nổi tiếng với những vườn quả được tưới tắm bới những khe suối nhỏ xuất hiện theo mùa trên sông Gash. Nằm cách Khartoum 620 km về phía Đông Bắc, Kassala nối liền với thủ đô bằng tuyến đường bộ trải nhựa và bằng đường sắt, tuy nhiên đường sắt chỉ mới được đưa vào khai thác và chỉ chuyên dùng cho việc vận chuyển hàng hóa.
KOSTI

Nằm cách Khartoum 280 km về phía Nam trên bờ Tây của con sông Nile Trắng, Kosti là điểm trung chuyển trên tuyến đường cao tốc Khartoum-El Obeid. Tuyến đường thủy trên con sông Nile Trắng nối liền Kosti với các thành phố miền Nam Malakal và Juba. Trước khi nội chiến ở miền Nam Xu-đăng bùng nổ, thành phố Kosti là điểm giao của các tuyển đường thủy dọc sông Nile đến Thượng nguồn và vùng xích đạo. Thành phố hiện nay vẫn đóng vai trò quan trọng về kinh tế trong việc thúc đấy giao thương với các bang miền Nam. Dự án đa quốc gia nhà máy đường Kenana với mức đầu tư khổng lồ nằm cách Kosti khoảng 50 km về phía Đông.
MALAKAL
Thủ phủ của Bang Thượng Sông Nile đóng vai trò là một cửa sông quan trọng. Thành phố nối liền với Juba và các thành phố khác ở miền Nam bằng tuyến đường thủy với tần suất hoạt động liên tục, đây cũng từng là đường vận chuyển hàng hóa và cả hành khách. Nhưng hiện nay do nội chiến tiếp diễn, giao thông bằng đường sông đã bị cấm. Tuy vậy, ở đây có đường bay nối liền Malakal với Khartoum và với các thành phố khác
NYALA
Đây là thủ phủ của Bang Miền Nam Darfur. Đây cũng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt nối liền với Khartoum qua El Obeid, Rahad, Abuzabad và Ed Daein. Từ Nyala cũng có các chuyến bay đến Khartoum qua El Obeld.
PORT SUDAN

Cảng biển ở Port Sudan
Thành lập năm 1905 trong thời kì thuộc địa với tư cách là một thành phố cảng, Port Sudan là cảng chính và cửa biển chính kết nối với thế giới. Port Sudan nối liền với các thành phố khác bằng đường sắt.
SHENDI

Kim tự tháp Al Bagrawiya
Thành phố Shendi nằm cách Khartoum 170 km về phía Bắc, nối liền với Khartoum bằng đường bộ trải nhựa. Đây là quê hương của bộ tộc Ja’aliyln Arab và cũng là vựa ngũ cốc và các loại cây trồng. Di tích khảo cổ vương quốc Meroe cổ đại nằm cách Shendi vài km về phía Bắc, trong làng Al Bagrawwiya, bao gồm nhiều kim tự tháp và cung điện hoàng gia của Vua và Hoàng hậu Meroe. Các tượng đài của người Meroe cũng được tìm thấy cách đó chừng vài km về phía Đông. Phía Đông Nam Shendi có công trình đá sa thạch và gần đó là đền thờ Amun được phục chế.
SUAKIN

Cổng thành cổ ở thành phố Suakin
Trong thời kì tiền thuộc địa, Suakin là cảng chính và cũng là một cảng rất nổi tiếng trên Biển Đỏ. Tàu thuyền đến Ấn Độ Dương, Biển Ả Rập và Vịnh Ả Rập cập và rời Suakin với mật độ dày đặc. Người hành hương Tây Phi đến Mecca đều dừng chân ở Suakin trước khi băng qua Biển Đỏ đến bán đảo Ả Rập. Thành phố mất đi vai trò quan trọng này từ năm 1905, khi cảng được di chuyển 50 km về phía Bắc đến thành phố Port Xu-đăng. Suakin bị bỏ hoang và cuối cùng trở thành đống đổ nát. Hiện nay, người ta đang nỗ lực để khôi phục lại thành phố hải cảng nổi tiếng này. Sự sống của thành phố đang dần được khôi phục khi ngày càng có nhiều tàu chở khách bỏ neo ở Suakin
WAD MEDANI

Lăng mộ ở Wad Medani
Đây là một trong những thành phố lớn ở Xu-đăng, cũng là thủ phủ của bang El Gezira đất đai trù phú và là quê hương của Ban quản lý dự án Gezira (dự án hệ thống tưới tiêu đưa nước từ sông Nile Xanh qua các kênh, rạch đến tận hộ nông dân dựa trên tác dụng của trọng lực do thành phố có địa hình đồi núi khá dốc – ND), hệ thống cung cấp nước tưới cho các đồn điền bông và lúa mỳ rộng lớn. Nằm cách Khartoum 186 km về phía Nam trên bờ Tây của sông Nile Xanh, Wad Medani là nơi người dân của rất nhiều bộ tộc Xu-đăng chọn để định cư, họ đến đây làm công việc canh tác trong khuôn khổ dự án Gezira.
WAU

Nhà thờ ở thành phố Wau
Đây là thành phố thủ phủ của bang Bahr El Ghazal, xếp thứ ba sau Juba và Malakal về vai trò kinh tế và địa lý. Thành phố Wau nối liền với thủ đo Khartoum và miền Bắc Xu-đăng bằng đường sắt và một vài tuyến đường bộ qua Kordofan và Darfur.